Tràn ngập chuỗi cửa hàng “Made in Việt Nam”
Hàng Việt Nam xuất khẩu được hiểu là các loại sản phẩm cao cấp, hàng đẹp, hoàn toàn do nước ngoài đặt và Việt Nam sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu. Các nước đặt hàng chủ yếu là ở châu Âu, Mỹ và 1 số nước châu Á có ngành thời trang phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ thuê nhà máy ở Việt Nam mình sản xuất theo mẫu mã và tiêu chuẩn chất lượng của hãng. Toàn bộ nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất đều là của hãng gửi sang, quá trình sản xuất và chất lượng được kiểm định rất nghiêm ngặt. Trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm bị lỗi sẽ không qua được cửa kiểm duyệt và được tuồn ra ngoài để bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ.
Đồ Việt Nam thu hút người mua. |
Vài năm trước, các cửa hàng “Made in Việt Nam” có số lượng khiêm tốn song mấy năm trở lại đây, khi nhiều hàng hóa Trung Quốc dính nghi án chứa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, rồi phong trào người Việt dùng hàng Việt nở rộ thì thương hiệu “Made in Việt Nam” cũng được phổ biến và phát triển rầm rộ. Sự phát triển ào ào theo diện rộng này đã dẫn tới tình trạng loạn giá cả mẫu mã, chất lượng, nhiều cửa hàng kinh doanh trưng biển hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng thực chất là bán hàng Trung Quốc để kiếm lợi nhuận.
Hàng Việt Nam xuất khẩu tại thị trường trong nước chỉ là hàng có sai sót kỹ thuật, hàng lỗi mốt, hàng mẫu bị tuồn ra ngoài chứng tỏ số lượng rất hạn chế. Thế nhưng hiện nay có thể thấy bất kỳ con phố nào, từ phố to tới ngõ nhỏ đều có thể dễ dàng bắt gặp các tấm biển “hàng Việt Nam xuất khẩu”, “Made in Việt Nam” xuất hiện. Mẫu mã của các cửa hàng khác nhau, giá cả cũng chênh lệch nhau khá nhiều. Thậm chí đôi khi cùng một mẫu quần áo, giày dép song giá có thể chênh nhau vài trăm nghìn.
Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, chỉ riêng đoạn đầu đường Tô Hiệu (Cầu Giấy) dài khoảng 150m đã có tới hơn chục hàng “Made in VietNam” kinh doanh đủ các mặt hàng giày dép, quần áo. Có những cửa hàng rộng được phân thành 3 cửa hàng nhỏ đặt san sát cạnh nhau, mỗi quầy kinh doanh chuyên về một mặt hàng. Đường Cầu Giấy – nơi được mệnh danh là phố thời trang, mua sắm cũng có tới gần chục cửa hàng Việt Nam xuất khẩu. Con phố nhỏ Nghĩa Tân dẫu không nổi tiếng về quần áo giày dép thì cũng dễ dàng đếm được 5 cửa hàng dạng này. Trên nhiều tuyến phố khác như Chùa Bộc, Thái Hà, Láng…, tần suất xuất hiện của các shop “Made in Việt Nam” cũng rất dày đặc.
Bao nhiêu hàng “xịn”, bao nhiêu hàng “đội lốt”?
Đánh trúng vào tâm lý “ưu tiên dùng hàng Việt” của khách hàng hiện nay nên các chuỗi cửa hàng "Made in Việt Nam" tấp nập người mua và ăn nên làm ra. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao nguồn cung hàng thì ít vậy mà các các cửa hàng này lại được mở không ngừng? Có bao nhiêu cửa hàng là hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn”, bao nhiêu cửa hàng “đeo mác” Made in Việt Nam nhưng thực chất đang bán hàng Tàu?
Trong hàng loạt các chuỗi cửa hàng, thật khó để người tiêu dùng biết được đâu mới là nơi bán hàng xịn
|
Từng hồ hởi khi mua được chiếc áo thu đông với giá khá mềm 180.000 đồng/sản phẩm tại một cửa hàng quần áo, giày dép Việt Nam xuất khẩu trên phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, HN) nhưng ngay sau đó, trong một lần tình cờ đi ra chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, HN), chị Đặng Trang (Xuân Thủy, HN) đã chưng hửng khi thấy mẫu áo giống hệt của mình giăng nhan nhản ở khắp các cửa hàng trong chợ. Chị kể: “Lúc đầu, tôi còn nghĩ rằng có lẽ cùng mẫu nhưng chất vải khác nhau nên liền vào sờ thử chiếc áo đang được treo trên móc. Tôi ngỡ ngàng khi cái áo tôi đang sờ và cái áo mua dạo nọ có chất vài giống hệt nhau, loại áo này còn được bán với mức giá “niêm yết” chỉ 120.000 đồng/sản phẩm. Tôi cảm thấy mình bị lừa dối và mất hẳn niềm tin với cửa hàng Made in Việt Nam kia”.
Chị Hương, chủ một shop kinh doanh quần áo xuất khẩu tại đường Láng cho hay, bán các sản phẩm hàng Việt Nam thường có lãi ít hơn nhiều so với việc nhập hàng Trung Quốc về rồi tháo mác Trung Quốc tự dán mác Made in VietNam vào quần áo. Thực tế, tem mác chỉ là chiêu để tạo độ tin tưởng với khách hàng, đây cũng là chiêu trò nhằm đánh tráo nguồn gốc thực tế của sản phẩm. Các chủ cửa hàng dễ dàng sở hữu những chiếc mác giả “Made in Việt Nam nên nhiều cửa hàng vì tham lợi nhuận đã lừa dối khách hàng, bán cho khách hàng hàng Việt Nam nhưng chất lượng Trung Quốc.
Theo chị Trần Khánh Ly, chủ Ly's SHOES chuyên giày Việt Nam xuất khẩu (Khu đô thị Văn Quán Hà Đông), giày dép Việt Nam xuất khẩu “xịn” không phải chỉ nhìn ở tem, mác mà cần nhìn ở gót sản phẩm. “Giày dép “made in Việt Nam” xịn có gót rất đẹp, mượt mà, form giày cứng cáp, không hề bị xộc xệch, nhìn là thấy nét luôn, đi vào chân cực kì thích. Còn tem mác, có khi có khi không, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khi đưa ra thị trường còn bị thay mác chứ không phải cứ tem giấy hộp giấy đã là xuất xịn”.
Có thể thấy hiện tượng hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Việt Nam” đang rất phổ biến. Nếu không quản lý chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm được bán tại các cửa hàng Việt Nam xuất khẩu thì tình trạng quần áo giày dép ruột Trung Quốc, nhãn mác Việt Nam sẽ càng phát triển và trở nên tràn lan. Người Việt ủng hộ dùng hàng Việt nhưng với kiểu “lập lờ đánh lận con đen” thế này thì có lẽ niềm tin của người tiêu dùng sẽ dần bị hao mòn và viêc kích cầu, kêu gọi người Việt dùng hàng nội địa sẽ trở nên rất khó khăn.
Theo VietQ
Trả lờiXóahãng hàng không eva air của nước nào
vé máy bay đi mỹ là bao nhiêu
hãng korean airlines
mua vé máy bay đi mỹ ở đâu
đặt vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich