Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Gạo basmati “xịn" không rẻ như vậy

Bởi nếu là gạo basmati thì đó chỉ có thể là gạo kém chất lượng, nhiều khả năng nhập khẩu để chăn nuôi nhưng lại bán cho người tiêu dùng.

Gần đây, tại TP.HCM xuất hiện loại “gạo lạ” hình thon dài, màu vàng ngà, gạo cứng và không hạt nào bị gãy vụn. Khi nấu, gạo không nở, không dính và đàn hồi như cao su. Gạo không được bán tại các cửa hàng mà những người bán dạo rao bán với giá 10.500 đồng/kg.
Có thông tin cho rằng đây là loại gạo basmati xuất xứ từ Ấn Độ. Theo Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh, dư lượng chất bảo vệ thực vật các loại nông sản: “Nếu là gạo basmati “xịn” thì giá không rẻ như vậy”.
Liệu có mượn danh đặc sản?
Ông Hồng cho biết, hiện chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn. Ông chưa tiếp xúc với loại “gạo lạ” mà chỉ biết thông tin qua báo chí nên chưa đủ cơ sở để kết luận đó là loại gạo gì. Tuy nhiên, ông là người có “thâm niên” sử dụng loại gạo này khi làm việc tại Ấn Độ.
Về việc hình dạng và đặc tính “giống” với gạo basmati xuất xứ từ Ấn Độ, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Nếu là gạo basmati thì đó là loại gạo xuất khẩu nổi tiếng, chất lượng ngon không chỉ của Ấn Độ mà của thế giới. Đó là giống hạt gạo dài đặc sản của Ấn Độ giống như gạo tám thơm của Việt Nam, gạo “hoa nhài trắng” của Thái Lan.
Người Ấn Độ thích ăn món cari. Gạo basmati phải được nấu theo kiểu bung lên, khi chín gạo nở ra nhưng hạt này không dính với hạt khác. Sau đó người ta trộn cari vào và người ta bốc ăn, rất ngon”.
 
Tại Ấn Độ, giá gạo basmati có giá khoảng 1,1USD/kg tức là khoảng 24.000 đồng/kg
Hiện “gạo lạ” giống gạo basmati bán trôi nổi trên thị trường TP.HCM có giá 10.500 đồng/kg. Ông Hồng băn khoăn: “Nếu với giá thành như vậy thì tôi không hiểu đấy là loại gạo gì. Tôi đã làm việc tại Ấn Độ 8 tháng, chúng tôi còn phải đi mua loại gạo khác ăn chứ không có tiền mua loại gạo ấy, nó là loại gạo cao cấp”.
Ông Hồng đặt giả thiết, quá trình nhập khẩu có “nhiều kiểu”, nếu đúng là gạo basmati rẻ như vậy ở thị trường Việt Nam, có thể là loại gạo để lâu, kém phẩm chất, khi khai báo hải quan công ty nhập khẩu khai là để làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng khi nhập về lại tìm cách bán cho người dân tiêu dùng. Điều này, các cơ quan quản lý thị trường phải tăng cường quản lý. Bởi nếu nhập loại đủ chất lượng, qua bao nhiêu cửa thì không thể có giá rẻ như vậy”.
Ông Hồng khuyến cáo, không riêng gì “gạo lạ”, người dân khi phát hiện các thực phẩm lạ nên thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước từ cấp cơ sở. Hiện chúng ta đã có hệ thống quản lý về an ninh nông nghiệp, quản lý thị trường nên khi có mẫu vật, nó giả hay độc hại thì phát hiện ra ngay tương tự như vụ sữa nhiễm melamin trước đây.
Bên cạnh “gạo lạ” là mối lo “gạo giả”, trên mạng internet có thông tin từ Trung Quốc về loại gạo giả làm từ nhựa và chất tạo mùi thơm. Tuy nhiên, ông Hồng cũng khẳng định, tại Việt Nam chưa xuất hiện loại gạo này.
Chưa tổng kiểm tra “gạo lạ”
Chị Dung, chủ đại lý gạo trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 6 (TPHCM) cho biết: “Tôi có biết thông tin về loại “gạo lạ”, nhưng khu vực chúng tôi chỉ bán gạo trong nước, gạo Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản. Riêng đối với loại “gạo lạ” và gạo Trung Quốc hoàn toàn không bán”.
Tương tự tại các cửa hàng gạo ở các chợ như: chợ Xã Tây (quận 5), chợ Nhật Tảo (quận 10), chợ Tân Định (quận 1), chợ Minh Phụng (quận 6) hầu hết những hộ kinh doanh mua bán các sản phẩm gạo này đều khẳng định: “Chưa thấy tận mắt loại “gạo lạ” như báo chí đã đưa tin”.
 
 
Chưa thấy xuất hiện gạo lạ tại các cửa hàng
Chị Tố Trâm, một đại lý gạo tại chợ Minh Phụng cho biết: “Tôi dám chắc chắn loại “gạo lạ” này nếu xuất hiện chỉ có thể là người đi bán gạo dạo. Những người này bán buôn “chụp giựt”, ai mua nhầm gạo “dỏm” cũng chẳng biết đâu mà kiện. Chúng tôi bán gạo cho khách chỉ từ bịch 5 kg gạo trở lên cũng phải đựng trong bao bì có in tên, địa chỉ cửa hàng để giữ mối”.
Lo xa hơn, chị Ngọc, chủ đại lý gạo tại chợ Tân Định cho biết: “Có một số cửa hàng trộn gạo kém chất lượng với gạo ngon để bán có lời hơn. Do vậy, tốt hơn hết, người tiêu dùng đừng ham rẻ, đừng mua gạo từ người bán dạo”.
Ông Nguyễn Hồng Lâm, Đội trưởng Đội 2a - đội cơ động của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết: "Hiện nay đội 2a vẫn chưa triển khai bất cứ hoạt động kiểm tra nào về loại “gạo lạ” này vì chưa nhận được văn bản, chỉ thị từ cấp trên. Chúng tôi chỉ nghe thông tin về loại gạo này từ báo chí”.
Hiện Chi cục QLTT TP.HCM cũng chưa tổng kiểm tra vụ “gạo lạ”. Trước mắt, Chi cục đang phải dồn toàn bộ lực lượng giải quyết là các vấn đề liên quan đến giá cả, trong đó có vấn đề quản lý các cây xăng trước thông tin tăng giá.
Siết lại việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, từ 1/7 khi Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có hiệu lực, việc quản lý các loại thực phẩm lạ, hoa quả từ Trung Quốc sẽ được “siết” chặt hơn.
Luật sẽ quy định rõ trách nhiệm, không còn xảy ra tình trạng “3 bộ cùng quản lý mâm cơm”. Ví dụ, thực phẩm từ động vật giao cho Cục Thú y chịu trách nhiệm, sản phẩm có nguồn gốc thực vật giao cho Cục Bảo vệ thực vật. Ngay tại các cửa khẩu, các Cục thiết lập hệ thống kiểm dịch, ngoài kiểm tra vấn đề dịch hại, sâu bệnh hại thì tiến hành kiểm tra vấn đề ATVSTP.
Đầu tiên sẽ kiểm tra xác suất và hậu kiểm, khi hậu kiểm phát hiện thấy loại hoa quả có dư lượng thuốc độc hại vượt mức cho phép sẽ kiểm tra chặt với 50% mẫu hàng, nếu vẫn phát hiện tỷ lệ mất an toàn cao sẽ cấm nhập khẩu.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ yêu cầu các nước xuất khẩu thực phẩm phải đăng ký về quy trình sản xuất, tiến tới việc người đưa chuyên gia sang trực tiếp kiểm tra quá trình sản xuất mới cho nhập vào VN.
Theo Thể thao & Văn hóa

1 nhận xét: