Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Cơm công nhân, vì sao khó nuốt?

Mỗi suất cơm công nhân trong các KCN trên địa bàn Hà Nội và vùng phụ cận được các DN cấp cho công nhân một giá, nhưng đến bữa ăn, tiền mỗi suất ăn của họ đã bị bớt xén.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều công nhân trong các khu công nghiệp nhập viện, phóng viên Báo điện tử Công lý đã thâm nhập thực tế tìm hiểu quy trình chế biến và tổ chức bữa ăn cho công nhân.
Đặt cơm giá thấp, xuất hóa đơn giá cao
Trong vai người đi đặt hàng các công ty nấu cơm cho công nhân, PV đã tìm đến một công ty chuyên cung ứng cơm cho công nhân tại KCN Bắc Thăng Long ở thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Tại đây, bà Nguyễn Thị X., Giám đốc Công ty TNHH N. đon đả giới thiệu: "Em muốn đặt hàng cơm công nhân thì chọn đúng địa chỉ rồi đấy, công ty chị làm ăn có uy tín cả chục năm nay rồi, chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào đâu nhé".
Một cơ sở chế biến thức ăn cho công nhân ở các KCN không hợp vệ sinh
Chờ cho bà Giám đốc công ty N quảng cáo xong một hồi, tôi gặng hỏi: "Bên chị làm thế nào để suất cơm ăn được, mà giá thành vừa phải không?" - "Ối dào, Cái này em khỏi lo! Em muốn giá bao nhiêu, chị cũng làm được!".
Nói rồi, bà Giám đốc tiết lộ cho tôi nhiều mánh khóe để có thể bớt được giá thành suất cơm. Theo lời bà X., bình thường một suất cơm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long hiện giờ thường đặt từ 12 đến 15 nghìn đồng, một số ít công ty có suất ăn 20 nghìn đồng. Nhưng trên thực tế, giá thành các suất cơm đó thấp hơn nhiều.
Cụ thể, bà X dẫn chứng một suất cơm trong hóa đơn xuất đi giá 15 nghìn, nhưng giá trị thực chỉ là 12 nghìn đồng, suất cơm 12 nghìn thì thực chất chỉ có 10 nghìn đồng, số tiền dư ra, các công ty này chi cho người ký hợp đồng đặt cơm cho công nhân.
Theo Giám đốc Công ty N, sở dĩ phải làm như vậy, vì hiện nay các công ty, doanh nghiệp tổ chức cho công nhân ăn ca ngày một nhiều, không chi "hoa hồng" cho những người ký hợp đồng đặt cơm, rất khó có mối làm ăn. Thì ra, cái "uy tín" mà bà X quảng cáo là như thế.
Thậm chí, bà X còn nói: "Nếu em muốn làm suất cơm giá 8 - 10 nghìn đồng, chị cũng làm được". Song, bà ta cũng thẳng thắn: "Cái gì cũng có giá của nó thôi, nếu em đặt suất cơm giá thấp quá, chị cũng nói thật là chất lượng sẽ không đảm bảo, công nhân họ kêu và đình công, thì lại thêm tốn kém".
Tương tự như bà X của công ty TNHH N, người đại diện Công ty H.L. cũng cam kết sẽ chi cho đối tác (phóng viên) khoản "hoa hồng" xứng đáng, nếu hợp tác làm ăn được lâu dài. Người này cho biết, hiện giờ công ty đang cung cấp cơm công nhân cho một số công ty trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long và vùng phụ cận. 
Để có được nhiều đơn đặt hàng, công ty đã phải "lót tay" dày cho những người đến đặt hàng. Để khấu hao cho số tiền này, bắt buộc mỗi suất cơm công nhân sẽ phải cắt xén từ 1.500 đến 2000 đồng. Công ty càng nhiều công nhân, suất ăn càng nhiều thì tiền "lót tay" cứ theo đó mà nhân lên, thành ra người đi đặt cơm hàng tháng có một khoản thu nhập "khủng" mà không phải lo đóng thuế.
Còn bà K.D., chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp H.V. khoe, cơ sở của bà cung cấp khoảng 8.000 suất ăn mỗi ngày và đều thực hiện theo kiểu, đặt cơm giá thấp, nhưng xuất hóa đơn giá cao. "Cơm dưới 12 ngàn đồng thì nấu bằng gạo xốp (gạo siêu nở - PV). Riêng đồ ăn bên chị chỉ đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, chứ không đảm bảo tươi được", bà D. nói.
"Chỉ mong đồ ăn đừng có mùi khác lạ"
Để biết hơn về bữa cơm công nhân, PV đã xin học việc ở tổ lắp ráp của một công ty tại KCN Bắc Thăng Long, (Đông Anh, Hà Nội). Ngày đầu tiên đi làm, sau khi điểm danh xong, PV được người quản lý phát cho một phiếu ăn công nhân (là một mẩu giấy), ai để mất thì chịu nhịn đói. Bắt đầu vào việc, ai cũng cặm cụi làm. 
Thi thoảng mới có một vài tiếng trao đổi khe khẽ. Thời gian một buổi làm việc ở công ty trôi qua thật chậm chạp, nặng nề. Bỗng có tiếng chuông báo, bạn đồng nghiệp bên cạnh nhanh nhảu: "Nghỉ tay thôi, đến giờ ăn rồi!".
Cậu công nhân nọ vừa dứt lời, thì khắp các lối đi của khu xưởng, hàng ngàn công nhân nối gót nhau tiến về nhà ăn. Công ty đông công nhân, nên 5 dãy hàng lấy đồ ăn luôn trong tình trạng chật kín. 
Tại nhà ăn không khó để nhận ra những câu khẩu hiệu: "Không lãng phí đồ ăn, sử dụng bếp ăn như ở nhà!", hay "Luôn thay đổi thực đơn để đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân", nghe ra công ty này có vẻ khá quan tâm tới đời sống, bữa cơm công nhân.
Công nhân xếp hàng chờ lấy suất ăn
Chờ khoảng 10 phút mới đến lượt. Người phụ bếp nhận phiếu ăn rồi đưa cho tôi một khay đựng đồ ăn. Suất ăn chỉ vẻn vẹn vài miếng thịt xào rau củ thập cẩm trắng trợt, lều bều nước, một viên thịt chiên, vài cọng rau muống. Nghe đâu, khẩu phần ăn này trị giá 15 nghìn đồng. 
Vừa đưa cơm vào miệng tôi đã cảm nhận miếng cơm sượng sạo, khô khốc, ngán ngẩm. Tôi buông thìa, uống tạm bát canh rồi định đứng dậy. Nhưng nhìn xung quanh, mọi người đang lặng lẽ, cúi đầu bên suất ăn, họ chẳng khá khẩm gì hơn tôi, nhưng ai cũng cố ăn hết bữa trưa để lấy sức làm việc buổi chiều, nên đành tập tành bắt trước các công nhân, cứ thìa cơm, thìa nước canh cho qua bữa.
Suất cơm công nhân mà phóng viên ăn có giá 15 nghìn đồng
Giờ nghỉ trưa tôi lân la chuyện trò với mấy người bên cạnh. Anh Nguyễn Thanh N, quê Phú Thọ làm ở đây được nửa năm cho hay: "Cả tháng hiếm hoi lắm mới được bữa cơm dẻo, còn lại toàn cơm khô cứng, rời rạc không tài nào nuốt được. Đi làm quần quật cả buổi, đến giờ ăn nhìn suất cơm đã ngao ngán, nhưng cũng đành nhắm mắt ăn cho xong còn làm việc buổi chiều. Nhưng điều mình và anh chị em công nhân sợ nhất là có những bữa nấu bằng thực phẩm cũ bốc mùi dễ sợ. Vì thế, đến giờ ăn chỉ mong đồ ăn đừng có mùi khác lạ là mừng rồi".
Nghe chúng tôi nói chuyện bữa ăn, chị T, quê Thái Nguyên chen vào: "Suất cơm công ty mình èo uột vậy thì lấy sức đâu mà làm, em là con gái mà chưa ăn đã thấy hết. Đã vậy, có không ít hôm ăn cơm xong, nhiều công nhân kêu đau bụng. Chỉ tội cho mấy chị công nhân có bầu, họ cần phải ăn đủ chất để có dinh dưỡng cho con. Công ty lại cấm mang đồ ăn theo, suất ăn thì dở tệ, mấy bà bầu đành lén lút mang sữa, bánh mỳ vào để ăn thay cơm".
Sẵn sàng dùng thực phẩm kém chất lượng
Cũng theo tiết lộ của một chủ cơ sở chuyên cung cấp cơm suất cho công nhân, do giá cả tăng trong khi một suất cơm công nhân chỉ dao động từ 12 - 15 nghìn đồng, nên để có lời, mà lại đảm bảo được khẩu phần ăn hợp lý, không còn cách nào khác, những cơ sở này phải dùng những thực phẩm trôi nổi, "kém sạch". Đó là chưa kể khâu chiết khấu, "hoa hồng" cho những người đi đặt cơm công nhân, thành ra để đến được tay công nhân, suất cơm càng thêm teo tóp.
Chị K. Một đầu bếp công nhân lâu năm tại bếp ăn công ty H.L. chia sẻ: "Thời kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thì muốn giảm tối đa chi phí, các cơ sở cung cấp cơm thì muốn có lời, nên ai cũng bày ra đủ chiêu trò, để thu lợi trên bữa cơm của công nhân. 
Gạo, rau, thịt cũng có năm, bảy đường cung cấp. Hầu hết thịt lợn người ta tận thu từ lợn chết, lợn bệnh vì giá rẻ, gạo trước khi nấu thì ngâm cả đêm cho nở ra. Riêng về rau củ, chúng tôi nhập về từng xe rau lớn, chất đó nấu dần, chẳng phải bỏ úa, sâu gì cả, nhân viên ít mà công việc thì nhiều, ngồi nhặt rau có mà bị đuổi việc".
Theo Kim Quy - Duy Ngợi - Công lý

1 nhận xét: