Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Thịt trâu biến thành thịt bò: Sự phù phép siêu lợi nhuận

Mua lại thịt trâu từ những công ty trực tiếp nhập khẩu, nhiều công ty, đại lý cấp 1, cấp 2 sau đó đã hô “biến” mặt hàng này thành thịt bò để “móc” túi người tiêu dùng…

Thịt trâu biến thành thịt bò: Sự phù phép siêu lợi nhuận
Mỗi năm có hàng chục nghìn tấn thịt trâu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam nhưng không thấy mặt hàng thịt trâu ngoại bán ra, vậy số lượng thịt trâu này được tiêu thụ ở đâu?
Thịt trâu ngoại đóng mác thịt bò giá rẻ
Ngày 14-7, Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện 200kg thịt trâu giả thịt bò của Công ty TNHH Tâm Ngọc Minh (có trụ sở ở 62 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu hơn 60kg thịt trâu đông lạnh trong kho của công ty.
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty này cho biết, số hàng trên là thịt trâu được nhập khẩu từ Ấn Độ (có hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ) được mua từ Công ty cổ phần thực phẩm Thảo Nguyên Xanh nhưng sau đó công ty đóng mác thịt bò rồi phân phối cho 82 doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội tiêu thụ. Mỗi kilogram thịt trâu được công ty nhập vào với giá từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg và bán ra thị trường với giá từ 135.000-150.000 đồng/kg tùy loại sau đó gửi báo giá cho các công ty, cửa hàng nói trên với nội dung chào bán: thịt bò giá rẻ.
Cùng ngày, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất kho đông lạnh ETC thuộc khu công nghiệp Quang Minh, đóng trên địa bàn huyện Mê Linh của Công ty thực phẩm Anh Khải Ký (có địa chỉ tại 888/77B Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) mà công ty này bán thịt trâu cho Công ty cổ phần thực phẩm Thảo Nguyên Xanh. Kết quả đã phát hiện 250 tấn thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng lấy 2 mẫu để phân tích ADN cũng như các chỉ số về ATVSTP, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.
Đây không phải là lần đầu tiên thịt trâu đóng mác giả thịt bò bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện. Trước đó, nhiều vụ thịt trâu nhập lậu được một số công ty ở Việt Nam nhập về rồi gắn mác thịt bò tung ra thị trường bán kiếm lời.
Điển hình, cuối năm 2014, Đội QLTT số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) trong quá trình kiểm tra, làm việc với một số đơn vị và cá nhân, trong đó có: Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Việt, Doanh nghiệp tư nhân thực phẩm Minh Đức, Công ty cổ phần thực phẩm Thảo Nguyên Xanh, Công ty TNHH TM & DV Tâm Trí Sáng, Công ty CP rau an toàn Hà Nội, … chuyên bán buôn, bán lẻ thịt trâu do Công ty TNHH XNK thương mại và dịch vụ Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương) cung ứng. Qua mở rộng điều tra cho thấy, công ty này không chỉ cung ứng cho các doanh nghiệp nói trên và khu vực thành phố Hà Nội, các tỉnh lân cận mà cả địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Trong hồ sơ do Công ty Tân Đại Dương cung cấp cho cơ quan điều tra có hóa đơn GTGT số 00004488 ngày 10-3-2014 của công ty cấp bán hàng cho Công ty cổ phần thương mại và hợp tác đầu tư Hà Nội (số 93 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội), có nội dung ghi tên hàng hóa “thịt trâu không xương đông lạnh 15.000kg, giá: 54.600 đồng/kg, thành tiền: 819.000.000 đồng”. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng làm việc với Công ty cổ phần thương mại và hợp tác đầu tư Hà Nội, ông Trần Văn Khuê - Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp này không có số hàng trên, chưa bao giờ kinh doanh thịt trâu đông lạnh!
Mất tiền mua thịt bò lại phải ăn thịt trâu
Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê thì hàng năm, lượng thịt trâu nhập ngoại vào Việt Nam là rất lớn. Tại Hà Nội, mỗi ngày các công ty trực tiếp nhập khẩu bán cho các đại lý cấp 1, 2 và các cửa hàng kinh doanh hàng tạ thịt trâu nhập khẩu. Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường thì không thấy bán thịt trâu nhập khẩu mà chỉ có thịt trâu tươi của Việt Nam được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn. Trong các nhà hàng khác cũng chỉ bán thịt bò đông lạnh chứ không có thịt trâu. Vậy số lượng lớn thịt trâu nhập ngoại được tiêu thụ ở đâu?
“Qua công tác kiểm tra cho thấy, sau khi các công ty, đại lý mua thịt trâu của các công ty nhập khẩu trực tiếp về liền phân ra các loại như mông hoa, bắp hoa… chứ không nói thịt trâu hay thịt bò; Và để qua mặt người tiêu dùng, những tem mác phụ được các doanh nghiệp này in không đúng quy định. Đơn cử như Công ty TNHH Tâm Ngọc Minh còn giao bán thịt bò giá rẻ (thực chất là thịt trâu nhập ngoại) và có bảng báo giá cụ thể. Với cách hô “biến” thịt trâu nhập ngoại thành thịt bò, giá thành 1kg thịt được đẩy lên cao thì những công ty này đã móc hầu bao của người tiêu dùng với số tiền không hề nhỏ” - Trung tá Phạm Giang Sơn cho biết.
Liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 9-4-2015, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành”, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG cho biết, trong năm 2014, Ban chỉ đạo 389 và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phát hiện hơn 26.000 tấn thịt trâu được nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác (theo tờ khai của hải quan), tuy nhiên khảo sát trên thị trường thì lượng thịt trâu này không hề được bán ra.
Trước vấn đề này, nhiều giả thiết được đặt ra, vậy số thịt trâu này tiêu thụ ở đâu, phải chăng để lừa và móc túi người tiều dùng, những doanh nghiệp này hô “biến” thịt trâu nhập khẩu thành thịt bò để bán kiếm lời?
Một lãnh đạo Cục Cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV (Bộ Công an) cho biết, theo thống kê, trong năm 2014 có hơn 21.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả thì chỉ có 11 vụ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố trước pháp luật. Nguyên nhân được đưa ra là do có nhiều vụ chỉ xử lý hành chính mà chưa xử lý được về hình sự vì còn vướng mắc luật pháp, nhiều văn bản định nghĩa khác nhau nên việc hiểu về hàng giả giữa các cơ quan thực thi chưa thống nhất dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý…



1 nhận xét: