Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Kinh hoàng: Nội tạng lẫn phân đưa vào chế mỡ bán cho nhà hàng

Câu chuyện mỡ bẩn thì không còn mới, nhưng mục sở thị một quy trình sản xuất, tiêu thụ mỡ bẩn từ lò mổ đến bàn ăn của người tiêu dùng, chúng tôi vẫn không khỏi rùng mình. Hóa ra hàng ngày người dân đã vô tình nạp vào người một thứ mỡ không thể kinh khủng hơn, được chế biến từ mỡ, nội tạng bẩn lẫn cả đất cát, phân mà không hề hay biết.
Nội tạng thối thành mỡ bẩn
3h sáng, tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang, nơi có hàng chục lò mổ cung cấp thịt cho nhiều chợ trên địa bàn huyện một số địa phương lân cận, tiếng kêu của hàng trăm con lợn bị xẻ thịt xé toạc màn đêm. Bên trong các lò mổ, sau khi lợn được xẻ thịt, trên nền đất thịt, mỡ, nội tạng lẫn cả phân để la liệt, mùi tanh, mùi thối bốc lên nồng nặc.
Kinh hoàng, nội tạng, mỡ bẩn, nhà hàng
5h sáng, hàng trăm chiếc xe chở thịt lợn lợn đã tấp nập đổ về chợ Nếnh để tiêu thụ. Khoảng 8 giờ sáng, một người phụ nữ xuất hiện thu mua toàn bộ mỡ thừa, bì lợn, nội tạng. Như một công việc quen thuộc, người phụ nữ này đến từng bàn bán thịt để nhặt những túi ni lông mỡ, nội tạng rồi cho vào các thùng xốp hay bao tải chở đi. Giá thu mua chỉ từ 1.000-3.000 đồng/ kg tùy độ bốc mùi nặng hay nhẹ của nội tạng lợn. Một tiểu thương ở chợ Nếnh cho biết, số mỡ, nội tạng mà người phụ nữ này thu mua đến khoảng tầm gần trưa là bốc mùi hôi thối nồng nặc khắp khu chợ. Đặc biệt với lòng lợn thì chị ta chỉ tuốt qua phân rồi cho vào bao tải chứ không hề rửa sạch.
Để tìm hiểu đường đi của những sản phẩm bốc mùi hôi thối này, chúng tôi đã đi theo xe người phụ nữ này, địa điểm tập kết số hàng này là một cơ sở chế biến mỡ ở thôn Đẩu Hàn, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh. Ngay từ đầu làng, mùi hôi thối, mùi khét của mỡ động vật cháy đã bốc lên nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Bé, một người dân thôn Đẩu Hàn cho biết cơ sở sản xuất mỡ ở thôn này luôn luôn bốc mùi hôi thối, khét lẹt khiến người dân nhiều khi như tắc thở.
Cơ sở sản xuất mỡ lợn của bà Trần Thị Bình đã hoạt động từ nhiều năm nay ngay cạnh cổng làng thôn Đẩu Hản. Khi chúng tôi có mặt, cả đống nội tạng lợn bốc mùi mới được thu gom về được để thành bãi ngay trên nền đất bẩn thỉu, đầy ruồi nhặng. Những thùng hàng lâu ngày được ngâm trong các thùng hóa chất cho bớt mùi hôi thối, còn hàng mới thì chỉ cần thái qua, cho vào chảo rán mà không hề được rửa qua một lượt nước. Kết quả số mỡ bẩn, nội tạng này sau khi rán đã tạo ra một thứ mỡ đen đặc, khét nồng.
Chưa hết, thứ tóp mỡ sau khi rán lại được tiếp tục cho vào một chiếc máy ép cáu bẩn, nhớp nhúa để ép lấy mỡ. Thứ mỡ “nước hai” từ chiếc máy ép này được hứng luôn bằng một chiếc hố nhỏ đào trên nền đất bẩn. Như vậy là đã thu được mỡ, công đoạn cuối cùng là đóng tất cả số mỡ này vào bao tải để chờ lái buôn đến mua, chở đi tiêu thụ khắp nơi, trong đó chủ yếu là Hà Nội.
Chủ cơ sở sản xuất mỡ này cho biết, trước đây các loại mỡ, nội tạng lưu cữu nên thường bốc mùi hôi thối, vì người dân kêu nhiều nên năm nay chị không để lưu cữu quá lâu. Nếu hôm nào trời nóng thì mỡ cũng ôi thiu bốc mùi, nhưng được khắc phục ngay nên đã… đỡ rất nhiều.
Mỡ bẩn đi đâu
Cơ sở của bà Bình mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm cân nội tạng lợn bẩn để rán, ép lấy mỡ bán. Mỗi lít mỡ thành phẩm có giá khoảng 6.000 đồng, khi được chở đi tiêu thụ tại Hà Nội và một số địa phương khác, giá loại mỡ này đã tăng lên khoảng 14.000-18.000 đồng/l. Theo những thông tin trong các tờ giấy kiểm dịch thì hàng trăm tấn mỡ, nội tạng lợn như thế này được vận chuyển đến nhiều nơi để chế biến mỡ, như Việt Yên - Bắc Giang, Thanh Trì, Gia Lâm - Hà Nội, Văn Lâm - Hưng Yên. Chúng tôi đã tiếp tục thâm nhập một cơ sở sản xuất mỡ ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Kinh hoàng, nội tạng, mỡ bẩn, nhà hàng
Cơ sở của bà Nguyễn Thị Hương nằm ở một vị trí hẻo lánh cuối xã Kim Sơn. Nhiều người dân thậm chí khi chúng tôi hỏi đến cơ sở sản xuất mỡ của chị Hương còn lắc đầu không biết, bởi nó nằm khá xa so với khu dân cư. Trong sân la liệt những bao tải mỡ chuẩn bị được chở đi khắp nơi tiêu thụ. Những thùng phuy mỡ to đùng là sản phẩm mới được ra lò, cũng chuẩn bị được chiết ra các bao tải tương tự. Khi được hỏi số mỡ này được vận chuyển đến đâu, để làm gì thì chủ cơ sở né tránh trả lời, chúng tôi không có được thông tin về điểm đến của mỡ bẩn ở đây.
Tiếp tục tìm đường đi của mỡ bẩn, chúng đã vào vai một người đi mua mỡ về rán quẩy để tiếp cận một cơ sở sản xuất mỡ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại cơ sở này, chúng tôi chứng kiến quy trình làm mỡ tương tự như cơ sở ở xã Hòa Long, TP Bắc Ninh nêu trên. Chủ lò mỡ này cho biết khách hàng của mình chủ yếu là các quán cơm, quán phở, thậm chí là một số nhà hàng lớn. Những khách hàng này thường sử dụng loại mỡ hớt trên, cảm quan có màu trong hơn với giá 18.000 đồng/l. Loại mỡ còn lại có màu đục, đen hơn, chất lượng “kém” hơn thì giao cho các lò rán quẩy, bánh rán với giá 14.000 đồng/l. Một can mỡ “chất lượng tốt” để rang cơm, xào phở, xào rán đồ ăn trong các quán cơm, nhà hàng có giá chỉ 80.000 đồng, còn loại làm quẩy, rán bánh rán giá chỉ 60.000 đồng, nếu so với giá dầu ăn thì chỉ bằng khoảng 1/3.
Buông lỏng quản lý
Kinh hoàng, nội tạng, mỡ bẩn, nhà hàng
Trong suốt hành trình theo chân mỡ bẩn, chúng tôi không thấy có bất kỳ sự kiểm tra nào của các cơ quan chức năng, từ khâu thu gom nguyên liệu đến khâu tiêu thụ. Phải khẳng định đây chính là nguyên nhân khiến các lò mỡ bẩn mọc lên như nấm và mỡ bẩn thì tràn lan khắp thị trường. Tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, nơi có lò mỡ của bà Hương, lãnh đạo xã này cho biết họ không biết về hoạt động sản xuất, vận chuyển mỡ bẩn của cơ sở này vì “chưa có ý kiến nào phản ánh”, và “nếu họ xin phép thì chúng tôi mới biết, nhưng đây họ không xin phép” – theo lời của một cán bộ xã Kim Sơn.
Còn tại lò sản xuất mỡ ở xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, dù cơ sở sản xuất mất vệ sinh như vậy nhưng cơ sở này vẫn có đủ giấy phép kinh doanh cũng như các loại giấy chứng nhận kiểm dịch. Trên giấy chứng nhận kiểm dịch ghi mục đích là: Chế biến làm thức ăn chăn nuôi, còn trên giấy chứng nhận kiểm dịch đầu ra đánh giá chất lượng các túi mỡ được bán ra thì có ghi: Đủ điều kiện vệ sinh thú y để vận chuyển. Chính quyền xã Hòa Long thì cho biết đã từng xử phạt hành chính cơ sở này nhiều lần vì vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều năm nhưng cũng chỉ phạt hành chính được 2 triệu đồng mà thôi. Nhiều lần xã cũng vận động chủ cơ sở dừng sản xuất mỡ, nhưng rồi lại đâu vào đấy. Chính quyền xã cũng đã kiến nghị lên thành phố Bắc Ninh đình chỉ cơ sở sản xuất này nhưng không hiểu sao hằng năm họ vẫn phải gia hạn giấy phép kinh doanh và có đầy đủ giấy tờ cho những lô hàng xuất bán.
(Theo ANTĐ)




1 nhận xét: