Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Hàng hiệu giá rẻ: Có thật chất lượng?


Người tiêu dùng cần “cảnh giác” tránh mua phải những sản phẩm được gắn với thương hiệu nổi tiếng nhưng có giá “bèo”.
Khách hàng nên trực tiếp chọn lựa cả những đồ gia dụng cao cấp, thay vì quá tin vào quảng cáo. Ảnh: Hoàng Anh.
Từ mác “hàng hiệu xách tay”...
Dạo qua những con phố sầm uất như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Phố Huế, Bà Triệu… (Hà Nội), không khó để người tiêu dùng nhận ra được những biển quảng cáo như “xả hàng”, “giảm giá sốc”, “thanh lý hàng hiệu”... được nhiều cửa hàng trưng ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Trên nhiều trang web bán hàng, những chiếc túi xách gắn mác hàng hiệu với đủ các kích cỡ, màu sắc, chủng loại như Chanel, Hermes, Gucci, Louis Vuitton… vốn có giá cả ngàn USD cho tới vài chục ngàn USD đã được không ít chủ cửa hàng tại Hà Nội rao bán với mức giá từ vài trăm tới vài triệu đồng.
Nếu như chúng được bán với giá vài trăm ngàn, người tiêu dùng sẽ đoán ra ngay đó là hàng “fake” (hàng nhái), hàng kém chất lượng. Song, mức giá “lưng lửng” vài triệu đồng đã khiến không ít người phải bối rối và các chủ hàng thì có muôn vàn lý do để giải thích cho điều này.
Ghé thăm một cửa hàng trên phố Chùa Bộc, tôi được người bán hàng giới thiệu cho một số mẫu hàng hiệu đang “hot” trên thị trường như túi Louis Vuitton Pallas giá 4,5 triệu đồng, thắt lưng Gucci D50511 với giá 1,5 triệu đồng, ví nam Louis Vuitton V07-01 chỉ 1,8 triệu đồng. Thấy tôi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, nhân viên bán hàng liền đon đả: “Đây đều là hàng chính hãng đấy anh. Giá rẻ là do đây là sản phẩm bị lỗi mốt hoặc ế từ nước ngoài nhập về. Nhưng vẫn ‘hot’ ở Việt Nam lắm”. Một vài cửa hàng khác lại cho biết họ mua sản phẩm theo lô nên được hưởng nhiều khuyến mại, vì thế khách hàng sẽ được hưởng lợi về giá. Trên một vài trang web bán hàng trực tuyến, nhân viên tiếp thị thậm chí còn đưa ra những mức giá “mềm hơn” với những lời giải thích rất đỗi “ngây thơ”, đó là “hàng xách tay, miễn thuế nên giá rẻ”.
Song, ngay cả khi người mua hàng có đặt chân tới kinh đô về thời trang như Paris hay Rome, thì những chiếc túi xách, ví da, thắt lưng kia đều có giá không dưới 1.000 USD, đó còn chưa kể tới chi phí vận chuyển, lưu kho và lợi nhuận thương mại. Lý giải về vấn đề giá cả, anh Văn Long, nhân viên một cửa hàng thời trang tại Tràng Tiền Plaza nói: “Trước tiên phải khẳng định rằng các sản phẩm của Louis Vuitton, Hermes… không bao giờ giảm giá. Các đại lý cũng không tổ chức các đợt giảm giá vào dịp cuối năm hay mở các cửa hàng bán túi lỗi, mà tất cả sản phẩm đều được niêm yết giá ngay từ đầu. Với một số mặt hàng đã quá 3 năm tuổi, Louis Vuitton có thể sẽ thanh lý cho các nhân viên nhưng với số lượng cực kỳ có hạn và khép kín. Một số sản phẩm như kiểu túi Theda được sản xuất rất hạn chế và nếu có lỗi “mốt” thì nó vẫn được bán với giá rất cao”.
Cùng chung nhận định với anh Long, đại diện nhiều cửa hàng uy tín khác cũng cho biết với những sản phẩm hàng hiệu, chất lượng luôn được lên hàng đầu bởi khách hàng của họ chủ yếu là người giàu, nếu như có bất kỳ lỗi nào xảy ra với sản phẩm, điều họ làm đó là ngay lập tức tiêu hủy chúng để không bị tuồn ra ngoài.
“Những thương hiệu nổi tiếng cũng không bao giờ bán buôn. Đơn cử như Louis Vuitton, tất cả những sản phẩm đều được bán tại các đại lý chính hãng có trên website của hãng, trên Eluxury hoặc tại một vài cửa hàng Highend được độc quyền kiểm soát bởi Louis Vuitton (sản phẩm tại đây bị giới hạn) như Saks, Neimans. Chính vì vậy, nếu bạn thực sự muốn mua hàng đảm bảo hàng chất lượng, hãy tìm đến các cửa hàng bán lẻ Louis Vuitton chính hãng”, chị Hà Linh (Hoàn Kiếm) đại diện một cửa hàng thời trang tại Tràng Tiền Plaza chia sẻ.
... Đến quảng cáo sai sự thật
Chị Thanh Hà (Cầu Giấy) đã từng “mừng rơn” khi nghe những lời quảng cáo trên một chương trình truyền hình về mua sắm bộ trang sức kim cương. Chị Hà cho biết, chị đặt mua một bộ trang sức mạ vàng được quảng cáo với giá chỉ 999.000 đồng, màu sắc sáng bóng, vòng tay, vòng cổ to, lấp lánh…. Thế nhưng, khi nhận hàng, chị mới “tá hỏa” ra đồ trang sức này không khác gì đồ “mỹ ký” rẻ tiền. Giấy chứng nhận chất lượng thì toàn tiếng Trung, không có bản dịch!
Đó là tình trạng chung của không ít khách hàng khi vỡ mộng vì những chiêu trò quảng cáo mua sắm của một số chương trình trên truyền hình. Đặc điểm chung của những kênh mua sắm này là đưa đến người xem một viễn cảnh hấp dẫn và không quên nhấn mạnh những thông tin quan trọng như: Hướng dẫn sử dụng, giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giá cả, số điện thoại tư vấn của tổng đài. Đồng thời, những mặt hàng được quảng cáo cũng rất đa dạng, từ dụng cụ nhà bếp, chổi xoay, máy hút bụi, bộ dao kéo, xoong nồi, chảo, bếp từ… cho đến các sản phẩm làm đẹp, kem dưỡng da, trị mụn, bộ trang sức, máy tập cơ bụng…
Chiếc chổi xoay 360 thông minh được nhà cung cấp quảng cáo có thể lau nhà sạch bong, dùng ở mọi vị trí, khe hở, thậm chí sàn nhà có thể soi gương. Thế nhưng với giá 600.000 đồng, chiếc chổi xoay này vẫn bị coi là “hớ” khi mà mới mua được một thời gian ngắn, không ít khách hàng đã phản hồi rằng các sợi lông từ chổi bị rụng và không thể dùng được. Bộ xoong nồi, chảo bị bong mất lớp chống dính. Hay như một bộ kem trị mụn, khi mua về thì sản phẩm toàn tiếng tượng hình, người xem cũng chẳng biết sản phẩm chứa những chất gì và hàm lượng ra sao!



1 nhận xét: