Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Dịch vụ trông giữ xe tái diễn nạn “chặt, chém”

Trong và sau Tết Nguyên đán, dịch vụ trông giữ xe quanh khu vực có các di tích lịch sử, điểm tham quan, đặc biệt là các đền, chùa tại Hà Nội lại tái diễn cảnh “chặt chém” du khách.

    Dịch vụ trông giữ xe tái diễn nạn “chặt, chém”
    Trông giữ xe ở hè đường khu vực Đình Phúc Khánh. Ảnh: HO
    Tại Đình Phúc Khánh, quận Đống Đa, các điểm trông giữ xe tự phát mọc lên nhanh chóng, kéo dài từ ngã ba Vĩnh Hồ đến gần Ngã tư Sở. Chủ các “bãi” trông giữ xe này dường như đã “thống nhất” giá chung với một lần trông giữ xe máy là 20 nghìn đồng, với ô tô từ 40 - 50 nghìn đồng tùy loại xe.
    Nhiều người dân đến hành lễ tại Đình Phúc Khách tỏ ra khó chịu và phải chấp nhận móc hầu bao tới 20 nghìn đồng cho khoảng vài chục phút trông giữ xe máy. Giá cao gấp 10 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, không còn cách nào khác khi khu vực này không có bãi trông giữ xe và lượng du khách đổ về hành lễ cũng rất đông.
    Tại các điểm chùa, đền, phủ khác như Đền Quán Thánh, Chùa Láng, Phủ Tây Hồ... mức phí thu trông giữ cho phương tiện chủ yếu là xe máy cũng cao hơn mức thu phí ngày thường tới 5 lần, tức 10 nghìn đồng cho một lần trông giữ. Mặc dù, khu vực đền Quán Thánh có một điểm trông giữ xe do Đoàn Thanh niên thuộc thành đoàn Hà Nội tổ chức trông giữ với mức phí đúng giá quy định. Hay tại Phủ Tây Hồ có tổ chức điểm trông giữ xe miễn phí... Tuy nhiên, với nhu cầu và lượng du khách quá đông thì nhiều người vẫn bị “chặt, chém”.
    Không chỉ tại các điểm di tích đền, chùa mà các khu vực dịch vụ như gần trung tâm thương mại, điểm vui chơi cũng tái diễn cảnh “chặt, chém”. Tại khu vực đối diện Đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm, hàng nghìn lượt khách tham quan gửi xe máy mỗi ngày phải trả mức phí trông giữ ít nhất là 10 nghìn đồng một lần. Còn tại một điểm trông giữ xe đối diện Cổng Vincom Bà Triệu, lượng xe gửi chủ yếu là xe máy đông tới mức tràn xuống cả lòng đường và người gửi dường như không có thắc mắc gì với mức phí 20 nghìn đồng cho một lần gửi xe...
    Điểm trông giữ xe ở Chùa Láng. Ảnh: HO
    Theo quy định thì các hoạt động trông giữ xe phải được cấp phép thế nhưng, xung quanh khu vực các lễ hội, các điểm vui chơi giải trí thì đa số các nhà dân mở ra tự phát với dịch vụ trông giữ là vi phạm. Tuy nhiên, theo một thanh tra giao thông thì chính quyền địa phương thường là tạo điều kiện để các nhà dân “cải thiện” thu nhập trong các ngày lễ, tết.
    Bên cạnh đó, theo chức năng nhiệm vụ thì thanh tra giao thông chủ yếu quản lý các bãi trông giữ xe được cấp phép ở vỉa hè. Trong khi đó, các điểm trông, giữ xe tự phát chủ yếu là trong nhà dân hoặc trước cửa nhà nên việc kiểm tra cũng gặp khó khăn. Thêm nữa, việc kiểm tra, xử lý (nếu có) đối với các bãi trông giữ xe chỉ có thể được thực hiện triệt để khi có đầy đủ các lượng liên ngành như: Về giấy phép trông giữ thuộc quản lý của chính quyền địa phương hoặc thanh tra giao thông; thu phí quá quy định thuộc quản lý thị trường và cả cơ quan thuế...
    Với một thực tế đã và đang diễn ra như trên thì việc quản lý các hoạt động trông giữ xe tại các khu vực lễ hội, di tích, điểm tham quan, mua sắm... đang tồn tại không ít bất cập và người dân thì vẫn phải chịu đựng cảnh “chặt, chém”.



    1 nhận xét: