Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Trẻ dễ ngộ độc vì sách, vở, đồ dùng có mùi thơm

Thị trường sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi… đang xuất hiện rất nhiều sản phẩm có mùi thơm. Trong khi đó, các chuyên gia khuyến cáo, học sinh sử dụng đồ dùng có mùi thơm rất dễ bị ngộ độc thần kinh, đau đầu chóng mặt, khả năng tập trung kém…
Con mè nheo, bố mẹ bực mình chỉ vì… mùi thơm
Đến một nhà sách phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi bắt gặp cảnh một bé gái hít hà những cuốn vở có mùi thơm và nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được vì nó có rất nhiều hình ảnh mà em thích. Em bé nói với mẹ khi nước mắt đã tràn mi: “Vở có em thỏ, em rùa, em bé ngồi xích đu… sao mẹ không, mẹ mua vở đó Bông không thích đâu”.
Người mẹ đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục con không mua nhưng vì bé khóc toáng lên nên bà mẹ quyết định cho em chọn một quyển. Sau khi được chọn một quyển vở, bé gái đó cứ cầm hà hít mãi, mẹ nói thế nào cũng không nghe.
Chị Hà Thị Minh Liên (mẹ bé gái), ở phố Xuân Thủy, cho biết: “Tôi đã chọn mua vở Hồng Hà nhưng sau khi phát hiện có cuốn vở bìa màu sắc, với nhiều hình ảnh sinh động thì đòi mua cho bằng được. Đến lúc đi mua sách truyện, gôm tẩy, sáp màu, hồ dán, giấy màu, mực… cái gì con bé cũng đòi phải có mùi thơm”.
Tại một nhà sách khác trên phố Kim Mã, một bé trai nhất định đòi bố phải mua gôm tẩy hình mặt cười, tuy nhiên khi nhìn thấy dòng chữ Trung Quốc trên bao bì ông bố kiên quyết không mua. Không được như ý, cậu con trai cứ lẽo đẽo theo sau vừa đi, vừa khóc. Bút chì cậu bé cũng đòi mua loại bút có đầu doremon và không nhận được sự đồng ý của bố.
Anh Tạ Duy Quang (bố cậu bé), phố Hào Nam, quận Đống Đa chia sẻ: “Cứ tưởng cuối tuần đưa con đi mua đồ dùng học tập, sẽ rất vui, không ngờ lại bị “mất đoàn kết”. Rất nhiều đồ có mùi thơm từ thoang thoảng đến nồng, hắc. Tôi ngửi một tí đã thấy đau đầu nhưng vì mẫu mã đẹp bắt mắt nên con cứ đòi mua. Không mua nên thằng bé cứ giận dỗi, khóc lóc”.
Cũng theo chia sẻ của anh Quang thì từ sáng đến giờ, từ hộp, túi đựng bút; hộp chì màu; hộp bút dạ; thỏi hồ dán; cục tẩy… thứ gì thằng bé chọn đều có mùi thơm, toàn chữ Trung Quốc, xuất xứ không rõ ràng. Điều đáng nói là những đồ dùng học tập này mang thiên hướng đồ chơi dễ khiến trẻ mất tập trung trong học tập như: hộp đựng bút bằng thiếc ba ngăn in nổi hàng chục hình ảnh trong phim hoạt hình từ ngoài vào trong … giá mỗi hộp từ 40.000- 50.000 đồng. Trong khi đó hộp bút loại này rất dễ bị móp, méo.
ngộ độc, sách, vở, đồ dùng, học sinh, hóa chất, đồ chơi, Trung Quốc, ngộ-độc, sách, vở, đồ-dùng, học-sinh, hóa-chất, đồ-chơi, Trung-Quốc,
Ảnh minh họa
Từng mua hộp bút loại này cho con, chị Yến Chi, đường Đê La Thành cho biết: “Vì con bé cứ đòi mua hộp bút thiếc nên tôi cũng chiều theo, mang về nhà chưa đầy một ngày cháu cứ mở ra, mở vào để ngắm, cậu em nhìn thấy khóc toáng đòi bằng được. Nhưng vừa được chị đưa cho, cậu em đã đập một cái xuống đất méo luôn hộp bút làm con bé khóc mãi”.
Đặc biệt là mức giá của các sản phẩm này khá mềm, chỉ tương đương thậm chí rẻ hơn với các nhãn hiệu uy tín trong nước sản xuất: Vở kẻ ô li với nhiều hình ảnh nhân vật trong phim hoạt hình từ 6.000 – 8.000 đồng/quyển; Sáp màu đựng trong hộp trái tim từ 7.000 – 8.000 đồng/hộp; Đất nặn đựng trong hộp quả táo 10.000 đồng/hộp; Bút dạ có mùi thơm trong hộp hình con thú 17.000 – 20.000 đồng/hộp…
Hại não trẻ vì mùi thơm không xuất xứ
Anh Mai Tiến Anh, Viện Công nghệ Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), khuyến cáo, đồ dùng học tập có mùi thơm, rẻ tiền thường sử dụng các loại hóa chất tạo mùi công nghiệp, có nồng độ độc hại cao do không đăng ký chất lượng, ngửi nhiều cơ thể dễ nhiễm độc. Đặc biệt, nhiều bé tỏ ra thích thú với mùi thơm, hít hà liên tục có thể bị ngộ độc thần kinh, gây đau đầu, chóng mặt, tập trung kém… Nguy hiểm là những sản phẩm này màu sắc rất bắt mắt, trẻ càng ngắm nghía, ngửi mùi nguy cơ độc hại càng lớn.
TS Lê Anh Dũng, Cty Thiết bị trường học Vietseed cũng cho rằng, chọn sách, vở, đồ dùng học tập cho con, tiêu chí an toàn phải đặt lên đầu tiên. Phải chọn những điểm bán hàng tin cậy, thương hiệu uy tín được công bố và sử dụng rộng rãi. Không dùng đồ trôi nổi, đồ có mùi thơm không rõ nguồn gốc xuất xứ... để an toàn cho con. Nhất là các loại đồ dùng học tập có mùi thơm như hộp bút, bút, sáp, đất nặn, sách truyện... trẻ rất dễ cho vào miệng nguy cơ bị nhiễm độc rất cao.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Nga, Trung tâm tư vấn Tâm lý Phương Thanh, Hà Nội cũng khuyên rằng, ý thức học tập của trẻ chưa cao, thích chơi hơn học nên thích những món đồ có thiên hướng đồ chơi. Tuy nhiên, tốt nhất phụ huynh không nên chọn vở, đồ dùng học tập có nhiều tính năng. Điều đó sẽ khiến trẻ kém tập trung học tập do bị chi phối thời gian ngắm nghía bìa vở đẹp, chơi đồ dùng học tập có thêm tính năng. Chưa kể, đồ dùng có nhiều tính năng thường dễ bị hỏng…
Hơn nữa, Viện Công nghệ Hóa học cũng mới công bố kết quả xét nghiệm, chất lỏng trong sản phẩm chặn giấy nhiều màu sắc, có mùi thơm chứa một số kim loại nặng bao gồm chì, asen, Cd (cadmium) với hàm lượng khá cao. Các nhà khoa học cảnh báo, khi nuốt phải chất Cd - độc hại sẽ tương tự thủy ngân, asen và chì vào cơ thể với hàm lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tử vong. Đất nặn cũng là đồ dùng dễ chứa cadmium. Vì vậy, chọn đồ dùng học tập cho con, cha mẹ cần hết sức thận trọng.
Đồ dùng học tập có mùi thơm khá bắt mắt, đánh đúng và trúng vào “ý thích thời sự” của trẻ em. Từ hộp bút, hộp chì màu, hộp bút dạ, thỏi hồ dán, cục tẩy… đều xuất hiện hình ảnh nhân vật đang ăn khách trong các phim hoạt hình như Courage chú chó nhút nhát, Minions, Biệt đội siêu anh hùng, Công chúa Elsa… Loại đồ dùng này còn được dựng trong những hộp tạo khối rất đẹp: Đất nặn đặt trong hộp quả táo; hộp bút là một chiếc túi hình con thú; sáp màu đựng trong vỏ hộp hình trái tim; gôm tẩy nhiều màu sắc sặc sỡ… Mùi hương của những đồ dùng này cũng rất phong phú từ hương nho, hương táo, cam, ổi… khiến trẻ thích thú mà càng ngửi càng độc hại.

(Theo Gia đình & Xã hội)


1 nhận xét: