Collagen đang được nhiều người xem như "thần dược" chăm sóc sức khỏe sắc đẹp. TS.BS Lê Anh Thư, Phó chủ tịch Hội Thấp khớp Việt Nam cho biết, Collagen thực chất là một loại protein, thành phần chiếm khoảng 25-35% lượng protein của cơ thể.
Trong cơ thể người có đến 29 loại Collagen, mỗi loại hiện diện ở những bộ phận khác nhau, ví dụ như tác dụng với da là Collagen type 1 và 3, ở khớp là Collagen type 2…
Theo TS Thư, trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều sản phẩm chứa thành phần Collagen được quảng cáo vừa bổ khớp lại vừa làm đẹp da mượt tóc, chống lão hóa… Đối với mọi người, đặc biệt là phụ nữ, các sản phẩm này rõ ràng là đầy hấp dẫn. "Nhiều người không tìm hiểu kỹ mà sử dụng Collagen không đúng nên vừa không có tác dụng như mong muốn vừa hao tốn tiền bạc”, TS Thư nhận xét.
Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đưa Collagen ra thị trường với nhiều hình thức khác nhau cho mỹ phẩm, dược phẩm, thức uống, bao gồm dạng kem, gel, nước thoa, đắp, uống (dược, mỹ phẩm); loại viên, bột, nước uống (thực phẩm chức năng)…
Ngoài ra không thể đếm xuể các nhãn hiệu Collagen xách tay không rõ nguồn gốc xuất xứ được giới thiệu với người dùng qua cách truyền miệng, bán online, chợ truyền thống đến spa, nhà thuốc, thẩm mỹ viện...
Giá cả của nó vì vậy cũng chênh lệch nhau rất nhiều, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một sản phẩm. Có cả loại Collagen bán theo kg, giá trên dưới một triệu đồng một kg. Nếu người mua có ít tiền, người bán sẵn sàng chia nhỏ bao lớn, bán theo từng gam với hướng dẫn mua về pha vào nước lọc, nước cam, cà phê uống hàng ngày.
Những nhãn hiệu đang được quảng cáo nhiều trên các mạng online, hoặc cửa hàng như Shisendo, Mejii Amino, Avon, Hanami, Transino (Nhật), Costar, Amex, Rebirth (Australia), NuHealth, Now@, Neocell, ResVitále (Mỹ), Wrinkle (Hàn Quốc)... Cả người bán nhiều khi cũng không hiểu hết về sản phẩm Collagen mà mình đang kinh doanh.
Bà Hồng Nguyên là một người chuyên phân phối Collagen xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc tại Hà Nội. 10 năm trước bà cũng chỉ là một người dùng, sau đó giới thiệu cho nhiều người khác rồi tự mình tổ chức phân phối. Sau khi có nhiều khách hàng, bà lập một tài khoản trên mạng xã hội chuyên bán Collagen xách tay phong phú về chủng loại với giá gần một triệu đồng trở lên.
"Tôi nhờ người quen hay đi công tác nước ngoài xách tay về bán có lãi chút đỉnh coi như bù phí vận chuyển, đi lại. Vậy mà trên thị trường hiện nay nhiều chỗ bán mẫu mã tương tự chỉ có 600-700 nghìn đồng, nhiều khả năng là hàng nhái lắm", bà Hồng Nguyên nói.
Được mệnh danh là "chuyên gia về Collagen", thường xuyên tư vấn cho khách hàng, song bà Hồng Nguyên thú thật chưa bao giờ tìm hiểu xem các sản phẩm mà mình đang phân phối được bào chế từ nguyên liệu gì. "Chữ ở trên hộp toàn bằng tiếng Nhật nên tôi không hiểu nội dung. Tất cả chỉ là dựa trên niềm tin thôi, mình dùng được chắc người khác cũng dùng được", bà nói.
Giữa một "rừng" Collagen như vậy, không phải ai cũng hiểu và sử dụng đúng loại để collagen phát huy tác dụng, gây lãng phí, chưa kể gặp phải các hậu quả tiêu cực.
Chị Mai (TPHCM) bắt đầu sử dụng Collagen được vài tháng nay. Trên Facebook của chị có cả hội những người ưa chuộng Collagen, mọi người tự gọi đùa với nhau là “con nghiện Collagen”, vì mỗi khi có sản phẩm mới là lại cùng rủ nhau thử nghiệm.
Số tiền hàng tháng chị bỏ ra cho Collagen thường xấp xỉ với chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Chị rất sung sướng khi gần đây thường được khen là "da đẹp hẳn ra".
Còn chị Hòa bước vào tuổi 29 cảm thấy mất tự tin với làn da sạm và nhiều vệt tàn nhang trên mặt. Bạn mách dùng Collagen da sẽ sáng bừng như gái đôi mươi, chị lên mạng tìm hiểu và mua 3 gói với tổng trọng lượng 1,5 kg về dùng thử.
"Nhân viên tư vấn bảo uống hết một gói thôi là da sẽ đẹp lên trông thấy. Mình uống hết 2 gói rồi, da không sáng mịn như quảng cáo mà càng sạm hơn, những vệt tàn nhang cũng đậm màu hơn", chị Hòa tư lự. Vừa nản chí lại mất lòng tin, chị quyết định ngừng sử dụng.
Dự tính làm đám cưới sau Tết Nguyên đán nên từ khoảng giữa năm 2014 chị Thúy (Đồng Nai) mua 5 hộp Collagen dạng bột của Pháp để uống. Hàng ngày sau giờ ăn cơm, cô nàng sinh năm 1985 đều lấy một cốc nước lớn đổ 2 muỗng Collagen vào khuấy đều rồi nhắm mắt nuốt từng ngụm. Có làn da khô nên cô dâu tương lai hy vọng "thần dược cho phái đẹp" này có thể giúp mình rạng rỡ hơn trong ngày trọng đại của cuộc đời.
Hào hứng là thế song mỗi lần soi gương, Thúy lại thất vọng vì làn da không cải thiện nhiều, tình trạng khô nẻ vẫn còn. Cô gọi điện hỏi người tư vấn thì nhận được câu trả lời là: "Tùy cơ địa mỗi người. Nếu chưa thấy tác dụng vì uống thêm nữa xem sao".
Một số người khác còn tuỳ tiện uống các loại Collagen không rõ nguồn gốc, công dụng chức năng để điều trị bệnh khớp, như chị Quyên ở Gò Vấp, TPHCM. Chị bị thoái hóa khớp giai đoạn đầu và được chỉ định điều trị nội khoa. Vừa uống thuốc được một vài ngày thì chị chuyển sang sử dụng một số sản phẩm có chứa Collagen, chỉ vì nghe tư vấn của bạn bè là "để giúp khớp dẻo dai hơn".
Tốn cả chục triệu đồng cho 4-5 tháng sử dụng, các cơn đau khớp của chị Quyên vẫn dai dẳng, thậm chí khớp gối còn sưng đỏ và đau nhức nhiều hơn. Đến bệnh viện khám lại, kết quả X-quang cho thấy mức độ tổn thương của khớp gối chị Quyên đã rõ ràng hơn rất nhiều. Chị buộc phải tiến hành điều trị lại theo phác đồ đặc trị của bác sĩ.
Lý giải về tình trạng của chị Quyên, TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương cho biết: “Loại Collagen mà bệnh nhân sử dụng thuộc tuýp 1 và 3, vốn chỉ có tác dụng trên da chứ không thể nào đi vào khớp như mong muốn".
Theo BS Nam Anh, Collagen 1 và 3 không làm hại khớp, nhưng chính việc chị Quyên ngừng điều trị trong thời gian dài đã khiến khớp đau bị bỏ mặc. Quá trình viêm, thoái hóa sụn không bị ngăn chặn nên làm cho khớp bị đau nặng hơn.
Theo TS Nam Anh, ngay cả khi sử dụng đúng Collagen type 2 thì cũng rất khó có tác dụng đặc hiệu với sụn khớp. Lý do, các Collagen trên thị trường hiện nay thường là loại bị biến tính trong quá trình sản xuất hoặc dễ dàng bị biến đổi cấu trúc và đặc tính sinh học khi hấp thụ vào cơ thể.
Vì vậy, sau khi vào trong cơ thể, loại Collagen này sẽ bị cắt nhỏ và chỉ có vai trò như các acid amin thông thường, phân bố khắp cơ thể mà không tập hợp được để trở thành nguyên liệu tập trung nuôi dưỡng khớp.
TS Anh Thư dẫn ví dụ UC-II, loại Collagen type 2 không biến tính được tinh chiết bằng công nghệ cao nhằm giữ nguyên cấu trúc phân tử và đặc tính sinh học.
Khi Collagen type 2 này vào cơ thể, 53% sẽ được hấp thu vào máu, trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho quá trình tái tạo, nuôi dưỡng sụn khớp. Phần còn lại (47%) sẽ giữ nguyên cấu trúc phân tử để điều chỉnh hệ miễn dịch, khắc phục tổn thương khớp, bảo vệ và phục hồi Collagen type 2 của sụn.
Theo các chuyên gia sức khỏe, Collagen có những tác dụng đặc hiệu đối với cơ thể, nhưng chỉ khi nào được sử dụng đúng loại, đúng mục đích. Để mang lại hiệu quả cao nhất, các chuyên gia khuyến cáo người dùng kết hợp sử dụng đúng Collagen với chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa.