Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Lập chốt 24/24 chặn khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản

Chiều 3/11, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã thành lập một tổ liên ngành đóng chốt ngay tại chợ nông sản để ngăn khoai tây Trung Quốc vào; trực liên tục từ thứ hai tới chủ nhật.


Đoàn liên ngành kiểm tra các quầy khoai tây Trung Quốc chiều ngày 3/11 - Ảnh: C.Thành
Theo ông Dương Ngọc Đức, trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, tổ liên ngành gồm Công an giao thông, cảnh sát kinh tế, Phòng kinh tế và Chi cục thuế. Trong đó, mỗi đơn vị bố trí 2 người, mỗi ca trực có 4 người và trực liên tục từ thứ hai tới chủ nhật.
“Chúng tôi lập lên tổ liên ngành để ngăn chặn triệt để việc nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản, từng bước lấy lại uy tín cho khoai tây Đà Lạt” - ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, đội kiểm tra liên ngành trên trước mắt sẽ được duy trì tới cuối tháng 12/2015.
Theo ghi nhận chiều 3/11, các quầy kinh doanh khoai Trung Quốc hầu hết đã đóng cửa, chỉ còn 4 quầy đang sơ chế số khoai tây Trung Quốc còn tồn kho trước lệnh cấm nhập từ ngày 1/11.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước ngày lệnh cấm có hiệu lực, nhiều tiểu thương đã chuyển hàng trăm tấn khoai Trung Quốc ra các kho ngoài chợ. Nguyên nhân là theo quy định, lệnh cấm nhập khoai tây chỉ có hiệu lực trong phạm vi trong chợ nông sản.
Trước đó Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 20/10 UBND TP Đà Lạt ra lệnh cấm nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt.
Lượng khoai tây Trung Quốc còn lại tại chợ nông sản chiều 3/11 - Ảnh: C.Thành
Lý do UBND TP ban hành lệnh cấm do vài năm gần đây có hiện tượng tiểu thương tại chợ lấy đất đỏ, bôi lên khoai Trung Quốc sau đó bán với giá khoai tây Đà Lạt nên ảnh hưởng lớn tới uy tín, đồng thời gây thiệt hại tới người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do các tiểu thương phản đối vì cho rằng thời gian ban hành quyết định trên quá gấp gáp, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh nên UBND TP Đà Lạt đã dời lệnh cấm trên tới đầu tháng 11.


          

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Cả trăm người ngộ độc sau khi rời tiệc cưới

Sáng 1/11, hầu hết các nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi rời tiệc cưới ở ấp 3 (xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã hồi phục sức khoẻ và xuất viện về nhà.
Trước đó, chiều 30/10, gia đình ông Hồ Văn Đặng tổ chức tiệc cưới cho con, mời rất đông người đến tham dự. Toàn bộ các món ăn tại đây do dịch vụ chuyên nấu đám tiệc Năm Đẹp (đóng trên địa bàn xã Tân An, thị xã Tân Châu) chế biến phục vụ. Sau khi ăn cưới trở về, nhiều người có cùng biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nên được đưa đến các cơ sở y tế xã. Nhiều trường hợp được chuyển lên Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Tân Châu để theo dõi, điều trị.
Chị Lê Thị Ngọc Nho (ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương) cho biết: “Lúc đầu về nhà em bình thường, sau đó khoảng 4 giờ đồng hồ thì bị nôn ói, đi vệ sinh liên tục nên gia đình đưa đi cấp cứu”. Tương tự, anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thạnh) chia sẻ: “Tôi đi đám về được khoảng 3 giờ đồng hồ thì bị nôn ói rồi nhập viện ở Tân Châu. Nhờ các y, bác sĩ chăm sóc tận tình nên khỏe lại nhiều. Chủ thợ nấu ăn cũng có cử người xuống thăm hỏi tôi và những người cùng bị ngộ độc”.
ngộ độc, bệnh nhân, ăn cưới

ngộ độc, bệnh nhân, ăn cưới
Các bệnh nhân bị ngộ độc được bác sĩ chăm sóc tại bệnh viện.
Báo cáo của ngành chức năng, sáng 31/10, Trạm Y tế xã Vĩnh Xương và Phòng khám khu vực xã Vĩnh Hòa tiếp nhận điều trị 42 ca nghi ngộ độc thực phẩm, nhiều ca nặng được chuyển lên tuyến trên. BV Đa khoa khu vực Tân Châu tiếp nhận 63 ca. Bác sĩ Phạm Thanh Nhàn – Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực – Chống độc (BV Đa khoa khu vực Tân Châu) cho biết: “Các bệnh nhân trong vụ ngộ độc đều được điều trị tích cực, hiệu quả, kịp thời không có ca nào tử vong. Khi tiếp nhận, BV nhanh chóng chẩn đoán, cho thuốc và phân loại bệnh chuyển đến khoa nhiễm và các khoa khác điều trị”.
Bác sĩ Nguyễn Phước Hải – Trưởng Phòng y tế thị xã Tân Châu cho biết:“ Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng y, bác sĩ tại các trạm y tế, phòng khám và BV tăng cường ứng trực cấp cứu kịp thời đảm bảo tính mạng của nhân dân. Hiện sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định và dần hồi phục sức khỏe, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng”.
Nguyên nhân vụ ngộ độc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
(Theo CAND Online)



Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Vượt hơn 2.000 km mua thịt heo sạch

Từ tâm lý sợ thực phẩm bẩn, một số người không ngại vượt hàng nghìn cây số tìm heo sạch, hay ra tận đảo xa đặt hải sản tươi. Sau đó, họ kinh doanh luôn chính mặt hàng này.

Hội "heo quê”
Là người đi đầu trong việc chọn mua thịt heo nuôi ở quê làm thực phẩm cho gia đình, sau gần 2 năm, bà Lâm Ngọc Hương (đường Lý Chiến Thắng, quận 3) đã lập được hội "heo quê” với hàng chục chị em.
Bà Hương cho biết, bị ám ảnh bởi những vụ sử dụng chất tạo nạc, kích thích trong nuôi heo ngày càng nhiều, cuối năm 2013, bà đi hơn 2.000 km trở về quê nhà (tỉnh Lào Cai) tìm mua heo nuôi địa phương.
"Mở đầu 'chiến dịch heo quê', tôi đi tìm hiểu loại heo này kỹ càng. Tôi xem chuồng trại họ nuôi thủ công vài ba con, thức ăn chủ yếu rau, cám nên con lớn nhất chỉ 30-40 kg. Thấy hài lòng, sau chuyến đi, tôi nhờ người nhà đến lò mổ đặt mua ngay”, bà Hương nói.

Khách hàng chọn mua hải sản tại cửa hàng ở Phan Thiết. Ảnh:Nguyễn Trí.
Theo bà Hương, những ngày đầu, hơn 10 kg thịt gửi máy bay vào đến TP HCM có giá cao gần gấp đôi heo chợ, với trung bình 140.000-170.000 đồng/kg, và phải dùng thịt đông lạnh ăn dần. Nhưng bù lại, heo nuôi thủ công nên thịt thơm, ngon và an toàn cho sức khỏe. Thấy “đáng đồng tiền bát gạo”, bà Hương tiếp tục gắn bó cho tới nay.
Sau khi câu chuyện heo quê của bà Hương được chia sẻ, ngày càng nhiều chị, em nhờ bà đặt mua thịt giúp. “Từ việc lấy mỗi tháng khoảng 15 kg thịt cho riêng mình, đến nay đều đặn 10-15 ngày tôi phải lấy 40-50 kg thịt mới đủ chia cho nhiều gia đình khác. Nhiều đợt mưa bão hay hụt hàng thịt heo không vào được là hội 'heo quê' tức tốc tìm mối quê khác, nhất quyết không ăn thịt chợ", bà Hương nói.
Trong khi đó, cả năm qua, anh Bùi Văn Minh (quận Gò Vấp) đã quen với việc vài ngày một lần, cứ sáng sớm anh ra bến xe Miền Đông nhận 15-20 kg hải sản từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gửi vào. Theo anh Minh, hải sản vừa đánh bắt lên là được người nhà mua, đóng thùng xốp chuyển vào TP HCM.
Theo anh Minh, mỗi lần chuyển hàng phải qua nhiều nhà xe với hàng chục tiếng đồng hồ mới vào tới TP HCM; do vậy phí vận chuyển tốn đến vài trăm nghìn đồng một lần gửi. Tính ra giá hải sản cao hơn khá nhiều nếu mua ở chợ. Song hải sản không lo tẩm ướp hóa chất, urê.Nhu cầu thực phẩm sạch tăng
Từ việc gom mua sản phẩm sạch để phục vụ bữa ăn gia đình, anh Nguyễn Đức Thái (quận 7, TP HCM) đã phát triển thành đầu mối, chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho nhiều khách hàng.
Từ việc cả ngày chạy xe chỉ để đi giao vài kg hải sản cho khách, đến nay, sau hai năm kinh doanh, anh mở hai cửa hàng với thương hiệu Vườn quê.
Theo anh Thái, không chỉ hải sản mà nhiều loại thực phẩm như rau, thịt heo quê anh cũng bày bán thêm. “Hiện hai cửa hàng của tôi tiêu thụ trung bình mỗi ngày 100-120 kg cá. Dịp cuối tuần lượng bán ra tăng gấp đôi. Thịt heo cũng bán khoảng 50-60 kg một tuần”, anh Thái nói.
Hiện giá thịt heo nuôi được anh Thái bán 120.000-130.000 đồng/kg, heo rừng lai 200.000-230.000 đồng/kg. Theo ông chủ cửa hàng, dù giá đắt hơn so với thị trường chung nhưng khách đặt mua vẫn đông, do heo nuôi an toàn. Nguồn cung ít nên vài ba ngày anh mới bán thịt một lần.
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch tăng mạnh cũng khiến những chuyến hàng hải sản từ đảo xa về đất liền ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Ngọc Hiệp (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), người có gần 20 năm “chuyển phát nhanh” hải sản từ đảo về thành phố, đang ăn nên làm với mô hình này. Hiện anh có gần 150 khách hàng thường xuyên ở Hà Nội và TP HCM. Đều đặn mỗi ngày, hơn 350 kg hải sản từ cửa hàng anh tỏa đi 5 địa điểm đường dài, trong đó Hà Nội và TP HCM hơn 200 kg.
Ngoài ra, anh còn cung cấp hải sản cho hàng trăm quán nhậu ở TP Quảng Ngãi. “Cứ 4h sáng là tôi mua hải sản còn sống ngay tại biển và đóng thùng xốp cho đá vào, đưa lên tàu tốc hành chuyển về đất liền bán”, anh Hiệp nói.
Cũng theo anh này, hiện do Lý Sơn có cả trăm mối lái buôn bán hải sản vào đất liền nên giá cũng rất cạnh tranh. Mỗi kg khi chuyển cho khách anh Hiệp cộng thêm 15.000 đồng chi phí vận chuyển và kiếm lời từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg tùy thời điểm.


Băn khoăn máy đo thực phẩm an toàn

Để đối phó với tình trạng trái cây “tẩm” thuốc, thịt ướp hóa chất tràn lan trên thị trường, nhiều bà nội trợ bỏ tiền triệu mua thiết bị đo an toàn thực phẩm được nhập khẩu vào VN, dù hiệu quả vẫn còn nhiều tranh cãi.


Sử dụng máy đo hàm lượng nitrat trong rau củ quả tại một cửa hàng rau sạch ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng
Không chỉ nghi ngờ độ chính xác của các thiết bị này, một số chuyên gia cho rằng dù hàm lượng nitrat (NO3) ở ngưỡng an toàn cũng không đảm bảo thực phẩm đó an toàn, bởi còn nhiều loại hóa chất độc hại khác chỉ có thể được phát hiện khi đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra.
“Bửu bối” của các bà 
nội trợ
Dù đã chọn mua hàng rau củ quả tươi ở siêu thị hoặc hàng có nhãn hiệu rõ ràng cho bữa ăn gia đình, nhưng anh Tuấn Anh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn cảm thấy bất an trước thông tin thực phẩm không an toàn, thịt heo dư chất tạo nạc, rau đầy thuốc trừ sâu, nhiều tồn dư phân bón... Khi nghe thị trường bán máy có thể đo tồn dư hóa chất trên thực phẩm, anh Tuấn Anh đã quyết định mua máy này dù giá bán khá “chát”, dao động 5-8 triệu đồng/máy tùy loại.
Theo anh Tuấn Anh, loại máy này được quảng cáo là có thể kiểm tra dư lượng nitrat trên thực phẩm, rau, củ, quả, thịt tươi chỉ trong vòng 20 giây, lại có hẳn một mục dành riêng cho việc đo hàm lượng nitrat khi chọn đồ ăn để phụ huynh có thể biết được nguồn thức ăn an toàn, đảm bảo cho sự phát triển về sức khỏe, trí não của trẻ.
“Quá phù hợp nhu cầu nên tôi mua về sử dụng chứ quả thật không biết cái máy này có thể sàng lọc tối đa, đảm bảo thực phẩm bẩn không xuất hiện trên mâm cơm hay không” - anh Tuấn Anh thừa nhận.
Trong khi đó, do có người nhà bị bệnh, cần chế độ dinh dưỡng an toàn, chất lượng, bà Ngọc Mai (Q.7) cũng mua một máy đo an toàn thực phẩm, chủ yếu đo dư lượng hóa chất nitrat, với giá gần 5 triệu đồng, có hướng dẫn bằng tiếng Việt. Với “bửu bối” này, dù cảm thấy an tâm hơn với các sản phẩm trong bữa ăn nhưng bà Mai thừa nhận đã gặp không ít rắc rối với chiếc máy nhỏ này khi sử dụng.
“Thỉnh thoảng tôi đo thử một số loại trái cây, máy báo kết quả không đạt yêu cầu dù mua hàng dán nhãn VietGap nên không biết độ chính xác ra sao” - bà Mai chia sẻ.
Đặc biệt, theo bà Mai, khi đi mua thực phẩm ngoài chợ, không người bán hàng nào cho thử vì sợ làm hỏng rau củ bởi phải dùng đầu ghim của máy cắm sâu vào loại quả mình muốn kiểm tra, chưa kể người bán hàng cũng không muốn bị phát hiện nếu lỡ sản phẩm có chất tồn dư vượt ngưỡng an toàn.
Không phải là 
“mắt thần”
Chị Hoài Trang, quản lý một cửa hàng thực phẩm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), cho biết một lần thấy vị khách đến mua rau sử dụng thiết bị này để kiểm tra rồi gọi điện thông báo cho người nhà rằng sản phẩm cửa hàng này là “an toàn” nên chị đã tìm hiểu và sau đó mua ngay một chiếc để kiểm tra các loại rau và thực phẩm đưa về cửa hàng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, loại máy này đã cho thấy nhiều bất cập.
Theo chị Trang, máy chỉ đo được vài ba chục loại rau quả nhất định trong khi chủng loại thực phẩm thực tế bán ra tại cửa hàng cao hơn nhiều. Cụ thể, bảng giới hạn dư lượng nitrat trong thực phẩm, được tặng kèm khi mua máy, chỉ có khoảng 60 loại thực phẩm thường gặp, trong khi chủng loại thực phẩm lên đến hàng trăm.
Nhiều khách hàng “linh động” bằng cách dùng thang đo của một loại (ví dụ như dưa leo) để đo cho loại khác (ví dụ như bầu, bí), nhưng kết quả sẽ không chính xác vì đây là hai loại rau khác nhau.
Thậm chí cùng một loại rau thu hoạch cùng ngày, nhà vườn đã đưa mẫu đến phòng thí nghiệm phân tích đạt chuẩn nhưng máy đo của khách hàng lại báo vượt mức dẫn đến tranh cãi giữa khách và cửa hàng.
Căn cứ vào máy đo, khách hàng không tin vào kết quả của phòng thí nghiệm, còn nhà cung cấp khăng khăng rằng họ đã đưa cho nhà phân tích độc lập nên kết quả chính xác hơn cái máy cầm tay. “Kết quả là cửa hàng chúng tôi phải chịu lỗ khi ngưng bán lô hàng đó vì chiều ý người mua nhưng không thể trả lại nhà cung cấp vì họ có kết quả phân tích” - chị Trang cho hay.
Chủ một cửa hàng khác khẳng định việc sử dụng máy chủ yếu để khách an tâm bởi cửa hàng thực tế đang bán rau sạch, nhưng máy đo nitrat chỉ đo được chỉ số phân bón hóa học trong thực phẩm và cũng không chắc chắn, còn các độc chất khác thì không biết được. Trong khi đó, nỗi lo lắng của người tiêu dùng còn là về dư lượng thuốc trừ sâu, sản phẩm nhiễm vi sinh... Do đó, khách hàng không nên quá phụ thuộc vào loại máy này mà lầm tưởng có thể tìm được thực phẩm sạch ngay.

Đo hàm lượng nitrat trong rau củ quả tại một cửa hàng rau sạch ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Chỉ là liệu pháp
 tinh thần?
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết thông thường các loại máy cá nhân phát hiện nhanh trong thực phẩm chỉ là máy đo định tính, tức là phát hiện có chất độc hay không chứ khó cho biết hàm lượng của chất đó trong thực phẩm là bao nhiêu. Đối với một số loại máy đo nitrat nhập khẩu về VN trong vài năm gần đây có cả chức năng định lượng, tức là cho người tiêu dùng biết nồng độ nitrat trong thực phẩm có nằm trong ngưỡng an toàn hay không để có cách xử lý.
Tuy nhiên, thông tin mà nhà cung cấp đưa ra chủ yếu là đánh vào nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn của người tiêu dùng và chiếc máy như một giải pháp hoàn hảo để giải quyết. Còn các thông tin về cơ chế hoạt động ra sao, mức độ chính xác thế nào vẫn còn rất mơ hồ. “Không hiểu cơ chế nào mà chiếc máy này có thể đo được hàm lượng nitrat trong thực phẩm chỉ bằng việc cắm đầu kim của máy vào thực phẩm trong thời gian 15 giây” - ông Nghĩa nói.
Hơn nữa, theo ông Nghĩa, ngoài hàm lượng phân đạm (gốc NO3) trong thực phẩm, các loại kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tăng trưởng và vi sinh vật cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của thực phẩm. Đặc biệt, thuốc trừ sâu có hàng ngàn loại khác nhau và không thể kiểm tra bằng máy test nhanh được mà phải đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích.
“Dù cho nitrat là thành phần quan trọng khi lựa chọn thực phẩm - vì sử dụng nhiều có thể dẫn đến ung thư - nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng hàm lượng nitrat ở ngưỡng an toàn là thực phẩm an toàn. Do đó, việc mua máy thử nitrat chỉ như một liệu pháp tinh thần là chính chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề” - ông Nghĩa nói.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, theo ông Nghĩa, Nhà nước cần có cơ thế nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi ra thị trường, chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng những loại máy móc nào đó.
Vì sao phải kiểm tra Nitrat?
Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, nitrat tồn dư trong thực phẩm rau củ là do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học để trái có thể phát triển nhanh và thường được bón gần thời điểm thu hoạch. Nitrat cũng có thể tìm thấy trong các hóa chất bảo quản chứa gốc nitrat dùng để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm.
Bản thân nitrat không phải là chất gây ung thư, nhưng là nghi phạm gián tiếp gây ra ung thư khi nó biến thành nitrit, chất này kết hợp với gốc amin tự do tạo thành tiền chất gây ung thư.

Thiết bị kiểm tra nhanh heo có nuôi bằng chất tạo nạc hay không bằng cách nhỏ... nước tiểu heo vào thiết bị - Ảnh: L.Anh
* Bà Trần Việt Nga(phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm):
Chỉ có vai trò... sàng lọc
Nguyên tắc của các bộ xét nghiệm nhanh về an toàn vệ sinh thực phẩm là dễ thực hiện, người tiêu dùng có thể mang theo và sử dụng khi đi ăn, đi chợ như giấy quỳ kiểm tra hàn the trong giò chả, dung dịch kiểm tra tồn dư tinh bột trong bát đĩa... Ngoài ra, trên thị trường hiện có nhiều loại thiết bị đo an toàn thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ có vai trò... sàng lọc, còn muốn chính xác phải kiểm tra tại các phòng thí nghiệm.
VN cũng có thiết bị do Bộ Công an nghiên cứu phát triển, với nhiều loại có thể kiểm tra và phát hiện 11 loại dư chất trong thực phẩm như formol, hàn the, thuốc trừ sâu... nhưng chỉ được bán theo bộ với giá trị cao nên chỉ phù hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra số lượng lớn.
Gần đây Bộ NN&PTNT cũng đưa vào sử dụng loại test nhanh có thể phát hiện heo nuôi bằng chất tạo nạc bằng cách nhỏ... nước tiểu heo vào thiết bị và chờ trong năm phút.